Thursday 1 August 2013

Khởi đầu của khởi đầu

 “Theo tôi nhà văn thế nào cũng phải có một lần quyết định, mình sẽ trở thành nhà văn” – Paul Auster nói trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Hungary Lévai Balázs (Thế giới là một cuốn sách mở – Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học, 2009). Từ chỗ là một người mê đọc sách, 16 tuổi Paul Auster đã quyết định trở thành người sáng tạo ra những cuốn sách. Thế nhưng ông chỉ có thể chính thức tập trung viết văn được sau cái chết của cha. Mất mát đó, thật tréo ngoe, có ý nghĩa quyết định với sự nghiệp văn chương của Paul Auster: một mặt nó là chất liệu trực tiếp cho tác phẩm văn xuôi đầu tay của ông, The invention of solitude (Khởi sinh của cô độc); mặt khác, chỉ sau cái chết của cha, nhờ vào món tiền thừa kế mà Auster mới có thể toàn tâm toàn ý viết văn. Quãng đời trước đó, ông phải làm đủ nghề vặt kiếm sống, từ thuỷ thủ, trực điện thoại cho đến dịch, viết điểm sách, được ông thuật lại trong một tác phẩm khác: Hand to Mouth (tạm dịch Tay làm hàm nhai).

Khởi sinh của cô độc (Phương Huyên dịch, nhà xuất bản Trẻ, 2013) là một tác phẩm hồi ký – tự truyện được chia thành hai phần. Phần một, Chân dung một người vô hình, Paul Auster thuật lại ký ức về người cha vừa qua đời; phần hai, Sách của ký ức, gồm những mảnh rời trên nhiều chủ đề. Hai phần gần như rất tách biệt này nối với nhau bằng đường dây của tình phụ tử: Paul Auster với tư cách người con trong phần thứ nhất và Paul Auster (được gọi là A.) với tư cách người cha trong phần thứ hai.


Có một sự khác biệt trong hai mối quan hệ cha – con này. Khi là cha, Paul Auster nhận thấy “cuộc đời của cậu bé có ý nghĩa lớn lao hơn cuộc đời của chính anh; nếu anh cần phải chết để cứu con mình, anh sẽ sẵn lòng chết. Và vì thế trong khoảnh khắc sợ hãi đó anh đã trở thành, một lần và mãi mãi, cha của con anh” (tr.171). Trong khi đó, quan hệ của Paul Auster với cha mình không hoàn toàn là một mối quan hệ suôn sẻ. Ký ức của ông về cha là sự vắng mặt, sự thờ ơ. Cha ông dường như chẳng bao giờ để ý tới con trai mình. “Tôi thành công hay thất bại cũng chẳng có chút mảy may ảnh hưởng nào tới cha” (tr.39). 

Sự cô độc của người cha như xây nên một thành trì vô hình quanh ông, mà Paul Auster – người con, nhất là trong thời niên thiếu, không thể nào phá vỡ được, cho dù người con “không bao giờ ngừng khao khát tình yêu từ cha mình” (tr.31). Nhiều năm về sau, Paul Auster – nhà văn, trong sự cô độc khi đối diện với trang viết, đã thử lý giải về chính cái thành trì cô độc của cha mình ngày xưa. Khi soạn ra những món đồ của người đã khuất, Paul Auster gặp một tấm ảnh (được in tại trang 52). Thoạt nhìn, dễ tưởng rằng đó là ảnh của một nhóm người. Thật ra, đó là ảnh của cha Auster, chụp từ năm góc ghép lại với nhau. Do cách ghép, mắt của năm phân thân không tương tác với nhau, mà mỗi phân thân đều như nhìn vào một khoảng trống rỗng. Auster nhận thấy đó là “tấm ảnh của cái chết, chân dung của người vô hình” (tr.53). 

Nếu như phần Chân dung một người vô hình tuy không được viết theo trình tự thời gian nhưng hãy còn được thuật theo dòng hồi ức, thì phần thứ hai, Sách của ký ức, chỉ bao gồm toàn các mảnh rời. Trong phần này, phóng túng nhưng đầy kiểm soát, Paul Auster chiêm nghiệm về sức mạnh của ký ức, sự cô độc, tính chất ngẫu nhiên của cuộc đời, và nhất là về bản thân sự đọc và sự viết. Chen lẫn là vô số dẫn chiếu đến các tác phẩm khác, từ Nghìn lẻ một đêm tới Kinh Thánh, từ thần thoại Hy Lạp đến chuyện chú bé người gỗ Pinocchio... và những trải nghiệm về quan hệ cha – con giữa tác giả với cậu con trai nhỏ của mình. Hình ảnh “căn phòng”, như một ám chỉ về sự cô độc, lặp đi lặp lại: căn phòng của A., căn phòng của S., căn phòng của Hölderlin, căn phòng của Van Gogh. “Căn phòng không phải là sự tái hiện của nỗi cô độc, mà nó là cốt lõi của chính nỗi cô độc ấy” (tr.225). 

Khởi sinh của cô độc in lần đầu tại Mỹ năm 1982. Từ đó đến nay, trong quãng thời gian hơn 30 năm, Paul Auster đã cho ra đời 16 tiểu thuyết. Những chủ đề thường gặp trong tiểu thuyết của ông là sự ngẫu nhiên, tính bất định, vô thường của cuộc sống, sự truy tìm căn cước… thật ngạc nhiên đều đã xuất hiện trong tác phẩm văn xuôi đầu tay Khởi sinh của cô độc. Chính Paul Auster cũng thừa nhận trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí The Paris Review rằng Khởi sinh của cô độc là tác phẩm nền tảng trong văn nghiệp của ông. Với ý nghĩa đó, Khởi sinh của cô độc không chỉ là tác phẩm đầu tay, mà còn mở ra một thế giới: thế giới văn chương ký tên Paul Auster.

No comments:

Post a Comment

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN